[Các Liên Kết]

MỤC LỤC: KINH TẠNG

BA PHÁP—[Phẩm VIII-IX]

Tăng Chi Bộ Kinh
(Anguttara Nikaya)
Tập 1

Chương
BA PHÁP
[Phẩm VIII-IX—Kinh số 71-90]

———————————————————————————————
PHẨM VIII
(Kinh số 71-80)

,(71)
Channa
,Nhân duyên ở Sàvatthi.
,Rồi du sĩ Channa đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, rồi ngồi xuống một bên, du sĩ Channa nói với Tôn giả Ananda:
[1]
,- Thưa Hiền giả Ananda, có phải các người tuyên thuyết về đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si?
,- Vâng, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết về đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.
,- Thưa Hiền giả, do thấy nguy hại của tham như thế nào, các Người tuyên thuyết về đoạn tận tham? Do thấy nguy hại của sân như thế nào, các Người tuyên thuyết về đoạn tận sân? Do thấy nguy hại của si như thế nào, các Người tuyên thuyết về đoạn tận si?
,1. Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
,Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
,Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
,Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
,2. Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình ... như thật rõ biết lợi cả hai.
,Sân, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
,3. Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình ... Khi si được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình ... không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm... như thật rõ biết lợi cả hai. Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, làm ác hạnh với thân ... làm ác hạnh với ý. Khi si được đoạn tận, không làm ác hạnh với thân ... với ý.
,Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, ... không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi si được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình ... như thật rõ biết lợi cả hai.
,Si, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
,Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. Thấy sự nguy hại này của sân, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận sân. Thấy sự nguy hại này của si, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận si.
[2]
,1- Có con đường nào, thưa Hiền giả, có đạo lộ nào đưa đến đoạn tận tham, sân, si?
,- Có con đường, thưa Hiền giả, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân, si.
,- Con đường ấy là gì, thưa Hiền giả, đạo lộ ấy là gì đưa đến đoạn tận tham, sân, si?
,2- Chính là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, ... chánh định. Ðây là con đường, thưa Hiền giả, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân, si.
,3- Hiền thiện là con đường, thưa Hiền giả! Hiền thiện là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân, si! Thật là vừa đủ, thưa Hiền giả Ananda, để áp dụng không phóng dật.

,(72)
Tà Mạng Ðệ Tử
[1]
,Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosità
,Rồi một tà mạng đệ tử gia chủ đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tà mạng đệ tử gia chủ nói với Tôn giả Ananda:
,- Thưa Tôn giả Ananda, pháp của những ai được khéo thuyết? Những ai khéo hành trì ở đời? Những ai khéo vượt qua ở đời?
,- Vậy này gia chủ, về vấn đề này Ta sẽ hỏi Ông. Ông kham nhẫn thế nào, hãy trả lời như vậy.
,1- Ông nghĩ thế nào, này gia chủ, những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn tận sân, thuyết pháp để đoạn tận si, pháp có được các vị ấy khéo thuyết hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
,- Thưa Tôn giả, ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn tận sân, thuyết pháp để đoạn tận si, pháp ấy được khéo thuyết. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
,2- Ông nghĩ thế nào, này gia chủ, những ai thực hành đoạn tham, thực hành đoạn sân, thực hành đoạn si, những vị ấy có khéo thực hành ở đời hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
,- Thưa Tôn giả, những ai thực hành đoạn tham, thực hành đoạn sân, thực hành đoạn si, những vị ấy khéo thực hành ở đời. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
,3- Ông nghĩ thế nào, này gia chủ, với những ai tham được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; với những ai, sân được đoạn tận ... với những ai, si được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy có khéo vượt qua ở đời hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
,- Thưa Tôn giả, với những ai tham được đoạn tận, ... với những ai, sân được đoạn tận ... với những ai, si được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy khéo vượt qua ở đời. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
[2]
,1. Như vậy, Ông đã trả lời như sau:
,- "Thưa Tôn giả, những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn tận sân, thuyết pháp để đoạn tận si, pháp được các vị ấy khéo thuyết."
,Và Ông đã trả lời như sau:
,- "Thưa Tôn giả, những ai đã thực hành đoạn tận tham ... đoạn tận sân ... đoạn tận si, những ai đã khéo thực hành ở đời".
,Và Ông đã trả lời như sau:
,- "Thưa Tôn giả, những ai đã đoạn tận tham, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những ai đã đoạn tận sân ... Những ai đã đoạn tận si, đã cắt đứt từ gốc rễ ... làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những vị ấy khéo vượt qua ở đời".
,2- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả!
,Ở đây sẽ không có tự khen pháp của mình, không có chê trách pháp của người khác, chỉ có thuyết pháp trong giới xứ, chỉ nói đến mục đích mà không đề cập đến tự ngã.
,3. Thưa Tôn giả, Tôn giả thuyết pháp để đoạn tham, thuyết pháp để đoạn sân, thuyết pháp để đoạn si, và thưa Tôn giả, pháp được Tôn giả khéo thuyết.
,Thưa Tôn giả Ananda, Tôn giả thực hành đoạn tham, ... đoạn sân, ... Tôn giả thực hành đoạn si, Tôn giả đã khéo thực hành ở đời.
,Thưa Tôn giả Ananda, tham đã được Tôn giả đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai ... sân đã được Tôn giả đoạn tận ... si đã được Tôn giả đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Tôn giả đã khéo vượt qua ở đời.
,Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả!
,Thưa Tôn giả, người như dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống ...
,Thưa Tôn giả Ananda, con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tăng. Mong Tôn giả Ananda nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng!

,(73)
Người Họ Thích
[1]
,1. Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Thích tử, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha.
,Lúc bấy giờ, Thế Tôn khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, họ Thích (Sakka) bạch Thế Tôn:
,- Ðã lâu ngày, bạch Thế Tôn, con biết pháp đã được dạy như sau:
,- "Trí đến với người định tĩnh, không đến với người không định tĩnh".
,Bạch Thế Tôn, định đến trước rồi trí đến sau? Hay trí đến trước rồi định đến sau?
,2. Rồi Tôn giả Ananda suy nghĩ như sau:
,- "Thế Tôn mới khỏi bệnh, khỏi bệnh không bao lâu. Họ Thích Mahànàma này hỏi một câu rất thâm sâu. Vậy ta hãy đưa họ Thích Mahànàma qua một bên và thuyết pháp cho họ Thích".
,Rồi Tôn giả Ananda cầm tay họ Thích Mahànàma, kéo qua một bên rồi nói với họ Thích Mahànàma:
,3. Giới của bậc hữu học, này Mahànàma, được Thế Tôn nói đến. Và giới của bậc vô học cũng được Thế Tôn nói đến. Ðịnh bậc hữu học được Thế Tôn nói đến. Ðịnh bậc vô học cũng được Thế Tôn nói đến. Tuệ bậc hữu học được Thế Tôn nói đến. Tuệ bậc vô học cũng được Thế Tôn nói đến.
[2]
,1. Này Mahànàma, thế nào là bậc hữu học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ quy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, cấp nhận và học tập các học giới. Này Mahànàma, đây là giới bậc hữu học.
,2. Và thế nào là định bậc hữu học?
,Ở đây, này Mahànàma, ly dục, ly bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng đạt và an trú sơ Thiền ...Thiền thứ hai .. Thiền thứ ba ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư.
,Này Mahànàma, đây là định của bậc hữu học.
,3. Và thế nào là trí tuệ của bậc hữu học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo như thật quán tri: "Ðây là khổ" ... "Ðây là khổ tập" ... "Ðây là khổ diệt" ... như thật quán tri: "Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt".
,Này Mahànàma, đây gọi là trí tuệ của bậc Hữu học.
,Vị Thánh đệ tử như vậy đầy đủ giới, như vậy đầy đủ định, như vậy đầy đủ tuệ, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
,Như vậy, này Mahànàma, là giới bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là giới bậc Vô học được Thế Tôn thuyết, là định bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là định bậc Vô học được Thế Tôn thuyết, là tuệ bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là tuệ bậc Vô học được Thế Tôn thuyết.

,(74)
Vị Lõa Thể
[1]
,1. Một thời, Tôn giả Ananda trú tại Vesàli, rừng Ðại Lâm, trong ngôi giảng đường có góc nhọn. Rồi Abhaya người Licchavi và Panditakumàrako người Licchiva, đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Abhaya người Licchiva thưa với Tôn giả Ananda:
,- Niganthà Nàthaputta, thưa Tôn giả, tự cho là toàn tri, toàn kiến, có tri kiến toàn diện:
,- "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến luôn luôn được an trú, không có gián đoạn".
,Vị ấy tuyên bố chấm dứt các nghiệp cũ với khổ hạnh, và phá hoại các nghiệp mới với vô vi (không hành động). Như vậy, do nghiệp đoạn diệt nên khổ đoạn diệt; do khổ đoạn diệt nên thọ đoạn diệt; do thọ đoạn diệt nên tất cả khổ sẽ được tiêu diệt. Như vậy là (pháp môn) siêu thoát, thanh tịnh, diệt nhiệt não, thiết thực hiện tại.
,Ở đây, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói thế nào?
,2. Này Abhaya, có ba (pháp môn) thanh tịnh, diệt nhiệt não, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, khiến vượt qua sầu bi, khiến chấm dứt khổ ưu, khiến đạt được chánh lý, khiến chứng được Niết bàn.
[2]
,Thế nào là ba?
,1. Ở đây, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học giới. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy.
,Ðây là (sự thanh tịnh thứ nhất), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
,2. Vị Tỷ-kheo ấy, đầy đủ với giới như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền ... Thiền thứ hai .. Thiền thứ ba ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy.
,Ðây là (sự thanh tịnh thứ hai), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
,3. Vị Tỷ-kheo ấy, đầy đủ với giới như vậy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy.
,Ðây là (sự thanh tịnh thứ ba), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
,Này Abhaya, có ba sự thanh tịnh, diệt nhiệt não này, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt ưu khổ, đạt được chánh lý, chứng được Niết bàn.
[3]
,Khi được nói như vậy, Panditakumàrako người Licchavi nói với Abhaya người Licchavi:
,- Này bạn Abhaya, bạn có tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói không?
,- Này bạn, tôi là ai lại không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói. Ðầu người ấy sẽ vỡ tan, nếu ai không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói.

,(75)
Cần Phải Khích Lệ
,Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
[1]
,- Này Ananda, với ai, Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai, Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con hay cùng một huyết thống. Với những người ấy, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm.
,Thế nào là ba?
,1. Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với Ðức Phật:
,- "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
,2. Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với pháp:
,- "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".
,3. Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với chúng Tăng:
,- "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng được cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời".
[2]
,1. Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, địa đại, thủy đại. hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này:
,- Vị Thánh đệ tử ấy, thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
,2. Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này:
,- Vị Thánh đệ tử ấy, thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
,3. Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, địa đại, thủy đại,hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này:
,- Vị Thánh đệ tử ấy, thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
,Này Ananda, với ai Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con hay cùng một huyết thống. Với những người ấy, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm này.

,(76)
Hiện Hữu
,Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,- Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?
,1- Này Ananda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?
,- Thưa không, bạch Thế Tôn.
,- Như vậy, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, hữu có mặt.
,2. Và này Ananda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không?
,- Thưa không, bạch Thế Tôn.
,- Như vậy, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, hữu có mặt.
,3. Và này Ananda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được không?
,- Thưa không, bạch Thế Tôn.
,- Như vậy, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, hữu có mặt.

,(77)
Tư và Khởi Ðiểm
,Rồi Tôn giả Ananda đi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,(như kinh trên cho đến) ...
,- Như vậy, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên tư được an lập, khởi điểm được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.
,...
,(Ðoạn còn lại như kinh trên, chỉ khác "thức" được "tư" và "khởi điểm" thay thế)

,(78)
Sự Hầu Hạ Giúp Ðỡ
,(Nhân duyên như kinh trên).
,Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:
,- Này Ananda, mọi giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản đều có quả phải không?
,- Ở đây, bạch Thế Tôn, không thể trả lời một chiều được.
,- Vậy này Ananda, hãy phân tích thêm!
,- Bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp không thiện tăng trưởng, pháp thiện đoạn tận, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy không có kết quả. Và bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp không thiện đoạn tận, pháp thiện tăng trưởng, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy có kết quả.
,Tôn giả Ananda nói như vậy và bậc Ðạo Sư đồng ý.
,Rồi Tôn giả Ananda nghĩ:
,- "Bậc Ðạo Sư đã đồng ý với ta",
từ chỗ ngồi đứng dậy, thân phía hữu hướng về ngài rồi ra đi.
,Rồi Thế Tôn, khi Tôn giả Ananda ra đi không bao lâu, nói với các Tỷ-kheo:
,- Này các Tỷ-kheo, Ananda còn là hữu học, nhưng không dễ gì tìm được người có trí tuệ ngang bằng.

,(79)
Hương
,1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,- Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo gió, không bay ngược gió.
,Thế nào là ba?
,Cây hương rễ, cây hương lõi và cây hương hoa. Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo chiều gió, không bay ngược gió.
,Bạch Thế Tôn, có thể có loại cây hương nào, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió?
,- Có loại cây hương, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió.
,2. Bạch Thế Tôn, loại cây hương ấy là gì, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió?
,- Ở đây, này Ananda, tại làng nào hay tại thị trấn nào, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong dục vọng, từ bỏ nói láo, từ bỏ dùng rượu, men rượu nấu làm say người, giữ giới, tâm tánh hiền lương, sống trong nhà với tâm không nhiễm xan tham, bố thí không luyến tiếc với tay rộng mở, thích thú từ bỏ, sẵn sàng được yêu cầu, ưa thích chia xẻ đồ bố thí.
,Người như vậy, được các Sa-môn, Bà-la-môn tán thán khắp bốn phương: tại làng ấy, hay tại thị trấn ấy, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, ... ưa thích chia xẻ đồ bố thí. Chư Thiên và các phi nhân cũng tán thán: tại làng ấy, hay tại thị trấn ấy, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, ... ưa thích chia xẻ đồ bố thí. Cây hương như vậy, này Ananda, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió.
,3.
,Không một hương hoa nào
,Bay ngược chiều gió thổi
,Dầu là hoa chiên-đàn
,Già-là hay mạt-ly
,Chỉ hương người đức hạnh
,Bay ngược chiều gió thổi
,Chỉ có Bậc Chân nhân
,Biến mãn mọi phương trời.

,(80)
Abhibhù
,1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,- Con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được nắm giữ trước mặt Thế Tôn:
,- "Abhibhù, đệ tử Ðức Phật Sikhi, đứng ở Phạm Thiên Giới, có thể làm cho ngàn thế giới nghe tiếng của mình".
,Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
,- Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ananda. Các Như Lai là vô lượng.
,Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,- Con được nghe trước mặt Thế Tôn, ... có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
,- Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ananda. Các Như Lai là vô lượng.
,Lần thứ ba, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
,- Con được nghe trước mặt Thế Tôn, ... có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
,2- Này Ananda, Thầy có được nghe nói đến tiểu thiên thế giới không?
,- Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn Thiện Thệ, để Thế Tôn nói về vấn đề này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
,- Vậy này Ananda, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói.
,- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
,Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
,3. Xa cho đến mặt trăng, mặt trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Sineru (Tu-di), một ngàn Jambudìta (Diêm-phù-đề), một ngàn Aparagoyànà (Tây ngưu hóa châu), một ngàn Uttarakurù (Bắc-cu-vô châu), một ngàn Pubbavidehà (Ðông thắng thần châu), bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn đại vương, 1000 cõi trời Bốn thiên vương, 1000 cõi trời ba mươi ba, 1000 Dạ-ma thiên, 1000 Tusità (Ðâu-suất thiên), 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha Hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm Thiên.
,Này Ananda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ananda, cho đến 1000 lần một tiểu thiên thế giới, được gọi là, ba Ðại thiên thế giới.
,Này Ananda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.
,4. Làm sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn?
,Ở đây, này Ananda, Như Lai chiếu ánh sáng cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới, cho đến khi các chúng sanh nhận thức được ánh sáng ấy. Rồi Thế Tôn phát âm và làm cho tiếng mình được nghe. Như vậy, Như Lai làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.
,5. Khi được nói như vậy, Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Udàyi:
,- Ðược lợi thay cho tôi, khéo được lợi thay cho tôi, có được bậc Ðạo sư có thần lực như vậy, có uy lực như vậy!
,Khi được nghe nói như vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
,- Này Hiền giả Ananda, ở đây Hiền giả nghĩ có được gì, nếu bậc Ðạo sư của Hiền giả có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?
,6. Khi được nghe nói như vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Udàyi:
,- Chớ có nói như vậy, này Udàyi; chớ nói vậy, này Udàyi. Này Udàyi, nếu Ananda chưa có đoạn tận tham và mệnh chung, nhưng với tâm tịnh tín của mình, vị ấy có thể bảy lần ngự trị trên thế giới chư Thiên, có thể bảy lần ngự trị trên cõi Jambudìpa này. Nhưng này Udàyi, Ananda ngay trong hiện tại sẽ được Bát-Niết-bàn.

PHẨM IX
(Kinh số 81-90)

,(81)
Sa Môn
,1. Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh Sa-môn cần phải làm này của Sa-môn.
,- Thế nào là ba?
,Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học.
,Ðây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm này của Sa-môn.
,Ở đây vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau:
,- "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học".
,Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
,2. Ví như, một con lừa đi theo sau lưng một đàn bò nghĩ rằng:
,- "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò",
nhưng nó không có màu sắc giống như con bò. Nó không có tiếng giống như con bò. Nó không có chân giống như con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò, nghĩ rằng:
,- "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò".
,3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng:
,- "Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo".
,Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng định học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tuệ học như các Tỷ-kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng:
,- "Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo".
,Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:
,- "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học".
,Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

,(82)
Nghề Nông
,1. Có ba việc này, một nông phu gia chủ cần phải làm trước.
,Thế nào là ba?
,Ở đây, người nông phu gia chủ, trước hết khéo cày và khéo bừa. Khéo cày và khéo bừa xong, người ấy cho gieo hạt giống đúng thời. Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, một nông phu gia chủ cần phải làm trước.
,2. Cũng vậy, có ba công việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước.
,Thế nào là ba?
,- Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học.
,Ba công việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước.
,3. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:
,- "Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi thọ trì tăng thượng tuệ học".
,Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

,(83)
Người Vajji
,Như vầy tôi nghe.
,Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, chỗ giảng đường có góc nhọn. Rồi một Tỷ- kheo người Vajji đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn:
,1- Bạch Thế Tôn, hơn 150 học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.
,- Này Tỷ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học?
,- Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.
,2. Do vậy, Thầy hãy học tập ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Này Tỷ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; điều bất thiện, Thầy sẽ không làm; điều ác, Thầy sẽ không theo.
,3. Tỷ-kheo ấy, sau một thời gian học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ; do học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Vị ấy, do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; nên không làm điều bất thiện, không theo điều ác.

,(84
Hữu Học (1 )
,1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
,- Hữu học, hữu học, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là hữu học?
,2- Học tập, này Tỷ-kheo, nên được gọi là hữu học, và học tập cái gì? Học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ. Vị ấy, do vậy được gọi là vị hữu học.
,Bậc hữu học, học tập
,Ði theo con đường thẳng
,Ở trong sự diệt tận
,Trí thứ nhất khởi lên
,Tiếp theo không gián đoạn
,Chánh trí mới sanh khởi
,Rồi chánh trí giải thoát
,Trí như vậy khởi lên
,Bất động ta giải thoát
,Hữu kiết sử đoạn tận.

,(85)
Hữu Học (2)
,Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp họp lại thành ba học giới này.
,Thế nào là ba?
,- Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học giới này, thâu nhiếp tất cả.
,Ở đây, Tỷ Kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh.
,Vì cớ sao?
,Ở đây, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,1. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.
,Ở đây, Tỷ Kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh.
,Vì cớ sao?
,Ở đây, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,2. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, chỉ trở về thế giới này một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
,Ở đây, Tỷ kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh.
,Vì cớ sao?
,Ở đây, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,3. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời này nữa.
,Ở đây, Tỷ kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh.
,Vì cớ sao?
,Ở đây, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,4. Vị ấy, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
,Như vậy, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần.
,Ta tuyên bố rằng, các học giới không phải là rỗng không.

,(86)
Bản Tụng Ðọc (1)
,Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới này.
,Thế nào là ba?
,- Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
,Ở đây, có Tỷ kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh.
,Vì cớ sao?
,Ở đây, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học giới nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,1. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau.
,2. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc "Gia gia", dong ruỗi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau.
,3. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
,4. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
,Nhưng ở đây, vị Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm ... chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,5. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Thượng lưu, đạt được Sắc cứu kính thiên.
,6. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Hữu hành Bát-Niết-bàn.
,7. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Vô hành Bát-Niết-bàn.
,8. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát-Niết-Bàn.
,9. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-Niết-bàn.
,Nhưng ở đây, vị Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm ... chấp nhận và học tập trong các học pháp.
,10. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
,Như vậy, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần.
,- Ta tuyên bố rằng, các học giới không phải là rỗng không.

,(87)
Bản Tụng Ðọc (2)
,Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới này.
,Thế nào là ba?
,- Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, thâu nhiếp tất cả.
,1. Ở đây, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm ... chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
,2. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-Niết-bàn.
,3-6.
,Hoặc nếu chưa chứng đạt, nêu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát-Niết-bàn
,... là bậc Vô hành Bát-Niết-bàn.
,... là bậc Hữu hành Bát-Niết-bàn.
,... là bậc Thượng lưu, chứng đạt Sắc cứu kính thiên.
,7. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ trở lui đời này một lần nữa, rồi đoạn tận khổ đau.
,8. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
,9. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc "Gia gia", sau khi dong ruỗi, luân chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau.
,10. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Tối đa phải sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, rồi đoạn tận khổ đau.
,Như vậy, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần.
,Ta tuyên bố rằng, các học giới không phải là rỗng không.

,(88)
Học Giới
,Có ba học giới này.
,Thế nào là ba?
,- Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.
,1. Thế nào là tăng thượng giới học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo giữ giới ... chấp nhận, học tập trong các học giới.
,Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng giới học.
,2. Và thế nào là tăng thượng định học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện ... chứng và trú Thiền thứ tư.
,Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng định học.
,3. Và thế nào là tăng thượng tuệ học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Ðây là khổ", ..., như thật rõ biết: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
,Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học.
,Những pháp này, là ba học giới.

,(89)
Học Pháp
,Này các Tỷ-kheo, có ba học pháp này.
,Thế nào là ba?
,- Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.
,... (Hoàn toàn giống như kinh trước với tăng thượng giới học và tăng thượng định học, nhưng tăng thượng tuệ học có khác) ...
,Và thế nào là tăng thượng tuệ học?
,Ở đây, vị Tỷ-kheo do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
,Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học.
,Các pháp này, là ba học pháp.
,Người tinh tấn, nghị lực
,Kiên trì và Thiền tu
,Sống hộ trì các căn
,Hãy hành ba tăng thượng
,Trước thế nào, sau vậy
,Sau thế nào, trước vậy
,Dưới thế nào, trên vậy
,Trên thế nào, dưới vậy
,Ngày thế nào, đêm vậy
,Ðêm thế nào, ngày vậy.
,Hãy nhiếp phục mọi phương
,Với vô lượng tâm định
,Ðây gọi hữu đạo học
,Là thuần tịnh hạnh đức
,Ðây gọi là Chánh giác
,Bậc trí đạt tối hậu
,Với thức được đoạn diệt
,Ái diệt, được giải thoát
,Như đèn sáng tịch diệt
,Tâm vị ấy giải thoát.

,(90)
Pankadhà
[1]
,1. Một thời Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala, tên là Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Pankadhà. Pankadhà là một thị trấn của dân chúng Kosala.
,Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo tên là Kassapogotta trú ở Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ. Rồi Tỷ-kheo Kassapogotta, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng:
,- "Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ!".
,2. Thế Tôn, sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Ràjagaha, tiếp tục du hành và đến tại Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, núi Gitjjhakùta.
,Rồi Tỷ-kheo Kassapogotta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, cảm thấy hối hận, ăn năn, nghĩ rằng:
,- "Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: "Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ! ". Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội".
,3. Rồi Tôn giả Kassapogotta, sau khi dọn dẹp lại chỗ nằm, cầm y bát, rồi ra đi đến hướng Ràjagaha, tiếp tục đi đến Ràjagaha, núi Gijjhakùta, đến Thế Tôn, sau khi đến. đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo Kassapogotta bạch Thế Tôn:
,- Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn trú ở Pankadhà, Pankadhà là một thị trấn các dân tộc Kosala. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
,Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn, với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng:
,- "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ".
,Rồi Thế Tôn sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, liền ra đi, du hành đến Ràjagaha. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, con cảm thấy hối hận, ăn năn:
,- "Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: "Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ!". Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội!".
,Phạm tội đã chinh phục con, bạch Thế Tôn, ngu si như con, đần độn như con, bất thiện như con. Vì rằng trong khi Thế Tôn, với pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng:
,- "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ".
,Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con có phạm tội là có phạm tội, để con ngăn chận trong tương lai.
,4. Thật vậy, này Kassapogotta, phạm tội đã chinh phục Thầy, ngu si đần độn như Thầy, bất thiện như Thầy! Vì rằng trong khi ta với pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Thầy lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng:
,- "Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ".
,Và này Kassapogotta, khi Thầy thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận cho Thầy. Ðây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai.
[2]
,1. Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo trưởng lão như vậy, Ta không có tán thán.
,Vì cớ sao?
,Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với trưởng lão ấy, nghĩ rằng:
,- "Bậc Ðạo sư tán thán vị ấy".
,Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, Ta không tán thán Tỷ-kheo trưởng lão ấy.
,Nếu một trung niên Tỷ-kheo, ... nếu một tân học Tỷ-kheo, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, Ta không có tán thán.
,Vì cớ sao?
,Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ kheo tân học ấy, nghĩ rằng:
,- "Bậc Ðạo sư tán thán vị ấy".
,Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, Ta không tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
,2. Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo trưởng lão như vậy, Ta tán thán.
,Vì cớ sao?
,Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ-kheo trưởng lão ấy, nghĩ rằng:
,- "Bậc Ðạo sư tán thán vị ấy".
,Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, Ta tán thán Tỷ-kheo trưởng lão ấy.
,Nếu một Tỷ-kheo trung niên, ... nếu một Tỷ-kheo tân học, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, Ta tán thán.
,Vì cớ sao?
,Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ kheo tân học ấy, nghĩ rằng:
,- "Bậc Ðạo sư tán thán vị ấy".
,Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, Ta tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
...

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Trangphattu Yếu lược & Bố cục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHẦN DẪN GIẢI-CHÚ THÍCH-BÌNH LUẬN

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.